Skip to content

Chơn Tâm, Giả Tâm.

Thương chào ACE TSH. Tôi đang sắp xếp thời gian để chúng ta lại gặp nhau trong buổi Livestream kế tiếp. Thời gian qua tôi hơi bận rộn, nên chưa thể làm Livestream được, tôi sẽ cố gắng dành thời gian sớm nhất để chúng ta gặp nhau và trả lời những câu hỏi. Trong khi chờ đợi, ACE đọc đỡ bài viết cho vui nhé.  TDT

                                Chơn Tâm, Giả Tâm.

Tâm là Tâm. Chẳng làm gì có “chơn tâm” hay “giả tâm” mà đi tìm. “Tâm” tự có mà có ở trong không, chẳng bao giờ mất, nó ở trong ta và ở ngoài ta, mà lại không bao giờ tách rời ta. Chơn Tâm hay Giả Tâm, là do “vô minh” mà sinh ra thôi; giống như cái bóng đèn, chúng ta muốn màu gì thì chúng ta sơn màu đó; màu đó chúng ta thấy, nó không phải nguồn sáng thật, như miếng gỗ chúng ta sơn lên; lớp sơn đẹp xấu đó vốn không phải là gỗ. Tâm là Tâm và Ta là Tâm. Đi tìm “chơn tâm” cũng giống như một người lục để tìm tiền trong túi trống rỗng của mình vậy. Và người đi nhờ người khác tìm “Chơn Tâm” cho mình chẳng khác nào đi hỏi nhờ người khác rằng: “Ngài ơi, làm ơn chỉ  cho tôi biết mắt của tôi ở đâu, tôi chẳng tìm thấy nó ở đâu cả”. ….

Tuy chúng ta không nhìn thấy mắt mình,  nhưng ai cũng biết mình có mắt, chẳng cần hỏi ai đi tìm mắt gìùm mình cả. Tâm vốn là Tâm, chẳng hề có chân tâm hay giả tâm vì nếu đã có chơn thì phải có giả (trung đạo nhị nguyên) Tại sao chúng ta không đi tìm cái “giả tâm”, mà cứ phải đi tìm cái “chơn tâm” của mình vậy?. Tại sao chúng ta cứ lo đi tìm cái tốt cuả mình để rồi “tự hào”, để rồi kiêu ngạo? Sao chẳng ai đi tìm cái xấu của mình để Tu, để sửa, để Tâm của mình thực sự hiện ra.  Mọi người đều có Tâm, còn chơn hay giả là do học vào thôi, chẳng phải tu đâu. Tâm là Tâm, cũng chẳng có chánh tâm hay tà tâm. Chánh tà, chơn giả là do vô minh sanh ra thôi và từ đó không còn biết được Tâm, không còn biết Chủng Tử của mình nữa, mà cứ phải đi tìm, mà lại đi tìm cái  vô minh trong sự vô minh, giống như mình là mình, mà lại cố đi tìm một con người “tuyệt vời” nào đó rồi tưởng mình là vi diệu, là pháp, là ánh sáng. Ta xấu hay ta tốt, ta tự biết, chẳng cần phải đi tìm mới biết, chỉ cần ta không bị điên, bị khùng hoặc vô minh vô mục là ta biết được rồi, cần chi phải đi tìm. 

Tâm là Phật tánh, là chủng tử vốn có trong ta, chẳng cần phải tìm ở đâu cả, không cần phải cầm đèn pin để soi coi mặt trời ở chỗ nào cả. Biển là biển. Biển động hay yên chỉ là giả tạm thôi, tại sao lại phải đi tìm cái giả là động hay yên. Chúng ta, ai cũng biết cái Tâm của mình cả, còn chơn giả là do cái đầu óc vô minh  tạo ra thôi. Đối với nguời TSH thì mọi người, ai cũng đều đúng và hiểu cả, họ đúng và hiểu theo trình độ của họ. Chúng ta tôn trọng sự hiểu biết của tất cả. Người TSH không là Thày và không dạy ai cả và cũng chẳng thích tỏ ra hiểu biết để tìm cái gì đó cho ai cả. Tôi chỉ trình bày kinh nghiệm riêng của mình, còn mọi người phải tự hiểu biết và giác ngộ. Riêng tôi thì chỉ cần dẹp bỏ cái Chơn và Giả đi là thấy được Bản lai Diện Mục, Đó chính là Tâm.

Giác ngộ cũng chưa là gì cả, chỉ là sự hiểu biết của “duy sự thân” thôi. Tâm không cần phải giác ngộ vì Tâm là tính “không của không” Còn “giác ngộ” hay “phi ngộ” là tính “có của không” tức là còn thuận nghịch, hơn thua, giống như chơn và giả vậy. Chúng ta còn quan trọng hoá cái “giác ngộ”, cái “chơn tâm” cho nên ta cứ phải đi tìm, Thiền chẳng phải là cứu cánh của sự sống mà chúng ta cũng tỏ ra quan trọng nó. Thiền giống như là để tắm cho thân thể thôi, nhiều khi tắm cho sạch, nhiều khi tắm cho mát thế thôi chẳng có quan trọng lắm đâu bạn. Các bạn đọc những chữ nghĩa tôi viết, hãy cố gắng hiểu được những ý nghĩa của nó, không nên hiểu mặt chữ, vì khi nói đến những gì cái chúng ta không nhìn được, chúng ta cần phải dùng trí tuệ đôi lúc phải có trí huệ nữa mới thông suốt được. Suy nghĩ, tư duy, tìm kiếm, ngồi thiền, vọng tưởng, gõ mõ, tụng kinh, v.v…. chỉ là cái thân thôi, chỉ là để săn sóc, chùi rửa bên trong thôi. Nhưng nếu không biết chùi rửa thì vô tình lại làm dơ thêm thôi. 

Chơn Tâm, Giả Tâm, chánh tâm, tà tâm, Diệu pháp, phi diệu pháp, Sáng hay Lu cũng chỉ là cái vỏ thôi. Nhiều người thích đi tìm, thí dụ như đi tìm quả chuối chẳng hạn, họ rất dễ dàng tìm thấy quả chuối ở bất cứ đâu, trong bếp hay trong chợ hay trên bàn v.v. ; nhưng muốn thấy chuối thật thì phải lột vỏ bỏ đi, vì vỏ chuối không phải là chuối. Cũng vậy, chơn tâm hoặc giả tâm cũng chỉ như là cái vỏ chuối đẹp hay vỏ chuối xấu mà thôi chúng ta không cần nó thì quan trọng nó làm gì, mà phải lột bỏ và vứt nó đi thì tự nhiên chúng ta mới thấy cái cần tìm. Chúng ta nên cố dùng cái Tuệ của mình để hiểu, nếu không chúng ta lại mất thì giờ mà cố tìm cho thấy rồi mang những cái không cần thiết, nó có thể làm chúng ta đi chậm hơn. Đừng tìm những cục đá vô dụng buộc vào lưng khi chúng ta cần phải đi một đoạn đường dài, bỏ đi, càng nhẹ càng đi nhanh. (Nói chơi một câu nhé: Bạn có biết tại sao người ta thích cạo đầu không? Là vì họ muốn bộ óc của họ đỡ bị che và được gần mặt trời hơn cho nó sáng thêm đó. Câu này là đùa vui thôi đấy).

Chúng ta đã thấy được một chút xíu ánh sáng rồi đó, tại sao tôi nói như vậy? Vì tôi và bạn đã sống trong vô minh nên đã cố đi tìm cái tầm thường là “chơn tâm” là cái vỏ đáng vứt đi, là lớp sơn bên ngoài, là lớp bụi của viên ngọc quý, là cái sinh diệt của hào quang…. Ngay cả cái chúng ta gọi là Pháp cũng chẳng là cái gì cả, nó chẳng đưa được ta đi tới đâu, chẳng tới bến bờ giác ngộ nào cả, chỉ vì vô minh nên người ta mới nghĩ rằng phải dùng Pháp phương tiện, phải dùng “chơn tâm” mới đến được “bến bờ giác ngộ”. Pháp chẳng qua chỉ là ngọn đèn soi đường, hay là con đường đi, nếu thực sự chúng ta không muốn đi, không thèm đi thì Pháp cũng vô dụng thôi, sẽ chẳng có “người đưa đò” nào đưa chúng ta qua sông được nếu chúng ta không muốn sang sông cho dù có “con thuyền” ngay trước mặt . Và hơn thế nữa, chúng ta chẳng cần đi tìm “bến bờ giác ngộ ở đâu cho xa, cho khó; vì nếu cứ đi tìm, thì có khi chúng ta đang ở trong “giác ngộ” mà lại ra đi tìm chỗ khác đấy, vì Ở ĐÂU MÀ CHẲNG GIÁC NGỘ được. Cho nên Đạo nào cũng có thể Giác ngộ được, và bất cứ ai cũng có thể Giác ngộ được, vậy chúng ta đừng bao giờ tự hào, tự mãn là mình giác ngộ nhé. Vì nhiều khi chúng ta tưởng rằng chúng ta có trí tuệ, nhưng thực sự  có khi chúng ta đang đảo điên, không có căn bản, giống như căn nhà không có nền móng vậy, căn nhà này càng xây lên cao thì càng dễ sụp đổ.

 Lại nữa, ngay sự Giác Ngộ (Hiểu biết) cũng vẫn chưa là cái gì cả, nó chẳng giúp được gì cho chúng ta, chẳng giúp chúng ta đạt được những gì chúng ta mong muốn, nó chỉ giúp chúng ta hiểu biết! Hiểu biết phải trái, đúng sai, tốt xấu, nhận thức được con đường nào là đúng với mình … có vậy thôi. Nhưng thực tế chúng ta từng chứng kiến có rất nhiều người hiểu biết và giác ngộ “rất cao” nhưng vẫn ……. !!!! Như vậy còn cần phải chuyển hoá sự giác ngộ theo đúng chiều của nó. Chúng ta hay đổ lỗi là tại chúng ta vô minh, nhưng thực ra chẳng có ai vô minh cả. Chúng ta ai cũng có Tâm cả, nhưng chúng ta cứ thích sơn phết cái đẹp lên Tâm của mình rồi chúng ta thấy mình hay, mình giỏi rồi mình trở thành Thày, thành Bà, rồi tự đặt tên cho mình bằng những cái tên nghe qua là thấy sự “giác ngộ cao siêu”, nghe qua là thấy chữ “Thày” to tổ bố nhưng cứ bảo mình không là thày ai cả…. Có người lại sơn phết lên cái Tâm của mình bằng lớp sơn ích kỷ, tham lam, hận thù …. nên biểu hiện sự giác ngộ bằng chính những lớp sơn đó. Viên kim cương dù cho chúng ta có để bụi bặm hay sơn phết thế nào chăng nữa thì nó chẳng bao giờ tuyệt vời bằng chính sự nguyên thủy của nó. 

TSH mà ngài Dasira Narada đã đi trước chúng ta chỉ cho chúng ta một điều rất đơn giản, không hướng dẫn chúng ta đi tới “bến bờ giác ngộ”, không muốn chúng ta cố gắng để trở thành người tốt, không hướng dẫn chúng ta đi tìm “chơn tâm” hay “giả tâm” để thành này, thành nọ, hay để đuợc giác ngộ, và cũng không hướng dẫn chúng ta phải cố gắng “tu” để thành Phật hay để vào nước Thiên Đàng. TSH chỉ yêu cầu chúng ta “xả bỏ”; rửa bỏ đi những “lớp sơn” đẹp, xấu, mà chúng đã sơn phết lên Tâm của chúng ta để biến nó thành “chơn tâm”, “giả tâm”, để biến chúng ta thành tốt hay xấu. Chúng ta cần xả bỏ để Tâm trở lại tình trạng nguyên thủy của nó và Tâm chỉ là Tâm, Tâm là Phật tánh, Tâm là chủng tử Phật; Tâm là bản tính Thiên chúa. Hãy chùi rửa để viên kim cương trở lại với sự tuyệt vời nhất của nó. Chỉ có con Phật mới được vào nhà Phật; chỉ mang Tâm tính Thiên Chúa mới vào được nhà Chúa. Thiền đi ACE, thiền không phải tu, Thiền chỉ là tắm rửa cho Thân, Tâm của mình mà mình đã làm ô uế. Người TSH còn phải làm tất cả để Tâm xấu, Tâm hiền, Tâm ma, Tâm phật, Tâm thiện, Tâm ác,… …. trở về nguyên Tâm.       

 Chúc mọi người Tâm, Thân luôn an lạc.

1 thought on “Chơn Tâm, Giả Tâm.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *